Năm 2000, dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới thứ 15 tại Havana, Cuba. Đoàn có 4 người gồm ông Lưu văn Đạt, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; ông Lê cao Đài, Giám đốc Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, GS-TS Chu Hồng Thanh, Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng Hội luật gia Việt Nam và tôi Hiệu trưởng Trường CBAM.
Chuyến đi thật vất vả phải bay 22 tiếng, chuyển máy bay ở Paris.
Hội nghị tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Havana rất rộng lớn, với 4 chủ đề:
1) Kinh tế, vai trò của nhà nước và hệ thống luật pháp để kiểm soát nền kinh tế toàn cầu; toàn cầu hóa và sự ảnh hưởng các chính sách của các tổ chức tài chính quốc tế; Cấu trúc nợ, cần xóa nợ cho các quốc gia kém phát triển;
2) Chính trị, an ninh và hòa bình quốc tế, sự dân chủ của các tổ chức quốc tế, vai trò và sự giới hạn của Hội đồng bảo an LHQ, ép buộc cấm vận kinh tế như vũ khí chính trị;
3) Vấn đề Dân chủ và Nhân quyền (Việt Nam có tham luận về nạn nhân chất độc màu da cam);
4) Sự độc lập của hệ thống tư pháp và luật sư; những vấn đề về chống buôn lậu, ma túy, rửa tiền.
Có 700 luật gia trên thế giới về dự.
Tại Hội thảo chủ đề kinh tế, các tài liệu và các luận điểm của các luật sư tranh luận về “Toàn cầu hóa” và việc xóa nợ cho các quốc gia nghèo rất thuyết phục. Họ cho rằng các quốc gia đã nghèo, làm bao nhiêu cũng không đủ trả nợ thì còn đâu mà tích lũy phát triển, mà không phát triển thì không xóa được nghèo đói, dịch bệnh do nghèo đói lại càng làm họ nghèo thêm, đói nghèo thì làm sao người dân được giáo dục tốt, làm sao có khả năng mua sắm tiêu dùng để tiêu thụ hàng hóa của các quốc gia đã phát triển, lại càng không có khả năng đầu tư để mua thiết bị của các quốc gia đã phát triển. Họ cũng cho rằng xóa nợ cho các quốc gia nghèo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các nước đã phát triển và cho sự ổn định hòa bình toàn thế giới.
Luật gia Nguyễn Thị Sơn – năm 2000