Kinh doanh toàn cầu (Global Business) hay còn gọi là toàn cầu hóa (Globalization) là sự tự do mua bán thương mại và đầu tư giữa các quốc gia, không bị các rào cản thương mại khống chế. Các Hiệp định thương mại ký giữa các quốc gia thường có những điều khoản đòi hỏi sự cạnh tranh lành mạnh, sự minh bạch của các doanh nghiệp thông qua cơ chế thị trường. Trong bài viết này tôi có một số suy nghĩ về tính đặc trưng của nền kinh tế thị trường. Đó là:
VẤN ĐỀ 1: Trong nền kinh tế thị trường (Market Economy), tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm các nguồn lực đều thuộc sở hữu tư nhân, có nghĩa là quyền sở hữu tài nguyên được trao cho các hộ gia đình (Households):
Các hộ gia đình sở hữu những người trong tuổi lao động (Labor forces) cung cấp cho các công ty, nhà máy, nông trường (Resource Markets).
Các hộ gia đình sở hữu vốn (Capital) từ những người lao động được hưởng tiền lương, hưởng lợi nhuận, tạo ra dòng tiền cung ứng cho thị trường (mua sắm, gửi tiết kiệm ngân hàng, mua cổ phần của các công ty thông qua thị trường chứng khoán…(Resource Markets)
Các hộ gia đình khai thác các tài nguyên thiên nhiên (Natural resources) cung cấp cho thị trường, tạo nguồn đầu vào cho các công ty nhà máy (người nông dân trồng lúa, trồng cây công nghiệp (tiêu điều, cà phê) cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm công nghiệp cho thị trường tiêu dùng... Người chăn nuôi heo, bò, gà, vịt, người khai thác đánh bắt hải sản cung cấp nguồn thịt, cá cho thị trường, cho các nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu tạo ra kim ngạch, ngoại tệ để nhập khẩu máy móc, công nghệ, các phương tiện giao thông (máy bay …)
Các hộ gia đình tham gia trong lãnh vực đào tạo, dạy dỗ con cháu trở thành những người tài giỏi, những nhà khoa học, những nhà quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp (những tài nguyên này không phải sở hữu của nhà nước mà dựa vào hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động)…
Các hộ gia đình có công bảo vệ cái nhà họ đang ở, miếng đất họ đang canh tác, làm sao cho đất, nước, ao hồ, bờ biển, lòng biển được cải thiện vì thế khái niệm “đất là của toàn dân”, tức là của các hộ gia đình cộng lại trở thành biên cương quốc gia mà mọi người dân, mọi hộ gia đình cần phải bảo vệ, cần phải gìn giữ.
Các hộ gia đình là người tiêu dùng. Người tiêu dùng được tự do thể hiện mong muốn của mình bằng cách yêu cầu hàng hóa và dịch vụ trong các thị trường sản phẩm cuối cùng mà họ cho rằng sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ. Các doanh nghiệp đáp ứng bằng cách sản xuất và cung cấp đưa ra thị trường những hàng hóa và dịch vụ đó mà người tiêu dùng muốn mua (End-Products)
Để sản xuất hàng hóa đưa ra thị trường tiêu dùng (End-Product Markets), các công ty (Firms) phải mua, huy động hoặc thuê các tài nguyên, nguồn lực (Labor Forces, Capital, Natural Resources) ở các thị trường nguồn lực (Resource Markets) mà thị trường này do các hộ gia đình nắm giữ, tức tư nhân nắm giữ, không phải của nhà nước, vì thế doanh nghiệp quốc doanh cũng phải hoạt động theo quy chế thị trường….
VẤN ĐỀ 2: Trong Nền Kinh tế thị trường, sản xuất được xác định bởi sự tương tác của cung và cầu. Thông qua cơ chế của hệ thống giá cả, xác định được sản xuất với số lượng hoặc chất lượng của sản phẩm
Khách hàng luôn muốn hưởng lợi nhiều nhất giá trị của sản phẩm đúng với đồng tiền họ bỏ ra “tiền nào của nấy” nhưng trong nền kinh tế thị trường luôn có yếu tố “thuận mua, vừa bán”
Sản phẩm có thể tăng giá, không cần thiết giá trị của sản phẩm tăng lên mà cần tăng thêm giá trị (tính năng) vào sản phẩm để gây ấn tượng với khách hàng hoặc như các dịch vụ tăng thêm (như cách phục vụ của người bán hàng, các dịch vụ hậu mãi, bảo hành...)
Thâm nhập thị trường cạnh tranh, giá trị của sản phẩm luôn phải cải tiến, sáng tạo. Chất lượng sản phẩm tốt hơn nhưng giá bán sản phẩm không thay đổi (giữ giá trị thương hiệu), yêu cầu của nhà sản xuất phải có các hoạt động tối ưu để giữ chi phí thấp.
Quyết định lần mua đầu tiên là rất quan trọng, người mua có thể chấp nhận mức giá cao hơn so với giá trị sản phẩm thông qua quảng cáo và truyền thông. Sự cân bằng giữa giá cả và chất lượng, nếu không được quản lý đúng cách, có thể dẫn đến mất mát lớn về sở hữu thương hiệu.
Nhìn chung, trong Nền Kinh tế thị trường, luôn luôn có sự uyển chuyển của thị trường, mỗi doanh nghiệp luôn cố gắng để cải thiện chất lượng của họ ở một mức giá tối ưu. Một số đã có thể làm điều đó và họ đang nhận được kết quả cao hơn từ thị trường. Nhiều doanh nghiệp khác quyết định chậm chạp về thị trường (chờ họp hành, chờ chủ trương) đã không thể kịp thời cân bằng giá cả và chất lượng, đã dẫn đến mất cơ hội kinh doanh, đôi khi thương hiệu bị lãng quên và một thương hiệu cạnh tranh khác đã áp dụng thay chỗ đứng của họ.
VẤN ĐỀ 3: Vai trò của Chính phủ là khuyến khích sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất tư nhân thông qua các chính sách và hệ thống luật pháp phải đảm bảo sự minh bạch – công bằng – không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
VẤN ĐỀ 4: Quyền sở hữu cá nhân đảm bảo rằng các doanh nghiệp/ người dân có quyền hưởng lợi nhuận được tạo ra bởi những nỗ lực của chính họ, được xác định bởi hệ thống luật pháp. Nhà nước không quốc hữu hóa tài sản của doanh nghiệp hoặc người dân. Trong trường hợp vì an ninh quốc phòng, vì lợi ích xã hội mà Nhà nước phải trưng thu hoặc sử dụng tài sản của doanh nghiệp (nhà xưởng, đất đai) thì phải đền bù cho doanh nghiệp/ người dân thỏa đáng theo cơ chế thị trường.